Trước đó, ngày 24/7/2023, bà V.T.H (sinh năm 1973, trú tại xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) thực hiện giao dịch chuyển 389.200.000đ qua ứng dụng của ngân hàng V trên điện thoại di động cho bạn hàng nhưng chuyển nhầm vào tài khoản của một người khác tại ngân hàng M, do thao tác bấm nhầm số tài khoản nhận tiền. Sau khi phát hiện chuyển nhầm, bà V.T.H đã đến ngân hàng V nhờ hỗ trợ, tra soát thông tin của người nhận nhầm mở tại ngân hàng M.
Sau đó bà V.T.H đã nhiều lần liên lạc tới Trương Đức Thanh, sinh năm 1996, trú tại thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là chủ tài khoản tại ngân hàng M đã nhận khoản tiền chuyển nhầm của bà để xin nhận lại, đồng thời trình báo Cơ quan Công an vào ngày 31/7/2023.
Mặc dù được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng ra yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản trước ngày 04/8/2023 nhưng Trương Đức Thanh không chấp hành. Y chỉ chuyển trả lại cho bà H hai lần vào các ngày 01 và 11/8/2023 với tổng số tiền là 219.000.000đ, số tiền 170.200.000đ còn lại Thanh hứa sẽ trả dần nhưng không đưa ra thời hạn, sau đó không nghe điện thoại hay trả lời tin nhắn của bà H.
Quá trình điều tra, Cơ quan Công an làm rõ sau khi nhận tiền chuyển nhầm, Trương Đức Thanh đã chuyển số tiền trên sang hai tài khoản khác. Tại Cơ quan điều tra, Thanh khai nhận do nợ nần và cần tiền tiêu xài nên đã thực hiện hành vi phạm tội và không còn tiền để trả cho bà V.T.H.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm đối tượng theo quy định.
Công an huyện Hữu Lũng khuyến cáo khi một người vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì phải có trách nhiệm trả lại cho người đã chuyển nhầm.
– Về trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Mức phạt như sau:
Khung 01: Phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm trong trường hợp chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 – dưới 200 triệu đồng; hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
Khung 02: Phạt tù từ 01 năm – 05 năm trong trường hợp phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc tài sản là bảo vật quốc gia.
– Về trách nhiệm hành chính: Khoản 1, Điều 579 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người chiếm giữ tài sản của người khác bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng. Đồng thời, buộc người chiếm giữ trái phép tài sản phải trả lại tài sản theo quy định./.