Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức việc làm tại nhà trên máy tính, điện thoại

Mặc dù thủ đoạn không mới, các cơ quan chức năng, báo, đài đã liên tiếp đưa ra các cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Nhưng đáng tiếc là vẫn có người nhẹ dạ cả tin, trở thành nạn nhân của các đối tượng.

Gần đây nhất vào ngày 24/01/2024, Công an thị trấn Hữu Lũng tiếp nhận thông tin của chị N.V.H trú tại thị trấn Hữu Lũng về việc được đối tượng lạ tự nhiên kết bạn qua Zalo mời chào công việc tại nhà trên điện thoại. Cụ thể đối tượng nhắn tin và gửi cho chị N.V.H 03 đường link trang Zalo để bấm like, sau khi hoàn thành chị H được đối tượng trả “lương” 15k/ cho 1 lần bấm like, tổng số tiền đối tượng chuyển khoản cho chị H là 45k.

Cảm thấy công việc dễ làm, tiền nhận được là tiền thật, thị H đã tiếp tục làm theo hướng dẫn của đối tượng. Đối tượng sau đó hướng dẫn chị H cài ứng dụng liên lạc qua mạng khác có tên là Telegram, sau đó bảo chị H tiếp tục chat với một người khác là “kế toán trả lương”. Ban đầu, người này add chị H vào nhóm lạ với những thông tin thành quả công việc của những người khác trong nhóm để kích thích, chiếm lòng tin, sau đó tiếp tục dẫn dắt chị H các công việc tương tự với số lượng lớn hơn và số tiền dự kiến được trả sẽ cao hơn.

Một đoạn hội thoại giữa chị N.V.H và đối tượng lừa đảo. Ảnh nạn nhân cung cấp.

Qua một số lần làm việc tưởng chừng suôn sẻ, đối tượng tiếp tục lừa chị H tải ứng dụng lạ có tên là “freelancer” để được chuyển tiền “lương” vào. Và đây là lúc xuất hiện các chiêu bài quen thuộc như thao tác lỗi, tài khoản bị “đóng băng”, phải nạp tiền vào để “mở băng” hoặc mất hết số tiền “ảo” đang hiển thị trên ứng dụng “freelancer”…. Trường hợp của chị H, sau khi mòm mẫm làm theo hướng dẫn để tích lương đến hơn 500.000VNĐ, chị H đã thao tác rút tiền về tài khoản và… tất nhiên là không rút được, và được người lạ báo lỗi, yêu cầu nạp thêm 700.000VNĐ để “mở băng” tài khoản. Sau khi nạp thêm 700.000VNĐ nhưng chưa đủ, đối tượng lại phát hiện có “lỗi lạ” khác và tiếp tục yêu cầu chị H nạp thêm 1,5 triệu đồng… Vỡ lẽ, chị H mới tìm đến cơ quan Công an để được hỗ trợ và gỡ các ứng dụng lạ đã cài đặt trên điện thoại.

Đây chỉ là một trong số những trường hợp nạn nhân may mắn khi sớm liên hệ với cơ quan Công an, vì thực tế là đã có người bị lừa đến hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng tỉ đồng “tiền ảo” trên ứng dụng lạ với những chiêu trò, thủ đoạn muôn hình vạn trạng để chiếm lòng tin của người dân… Đáng chú ý gần đây còn có thủ đoạn “lừa trong lừa”, tức là đối tượng giả danh luật sư, Công an, cán bộ nhà nước để tiếp nhận thông tin giúp lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng, sau đó chúng yêu cầu nạn nhân nộp 1 khoản phí. Sau khi nộp phí thì tiền bị lừa không những không lấy lại được mà còn mất thêm tiền phí.

Quảng cáo tràn lan trên mạng về việc “lấy lại tiền lừa đảo” từ các trang, kênh không chính thống đều là lừa đảo.

Trước thực trạng gia tăng các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an huyện Hữu Lũng khuyến cáo, mỗi người dân cần cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường. Không tham gia mọi hình thức làm nhiệm vụ đặt đơn hàng để kiếm lợi nhuận. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không biết thông tin rõ ràng, cụ thể về người và tài khoản nhận tiền. Không cung cấp tên đăng nhập mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng xã hội.

Thước phim ngắn tóm tắt thủ đoạn của các đối tượng.

Khi gặp các trường hợp, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân liên hệ ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời. Tích cực chia sẻ các thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng./.

BBT | PTB
NHẬN THÔNG BÁO KHI CÓ TIN MỚI ĐỒNG Ý BỎ QUA